Ánh sáng xanh là một phần của quang phổ năng lượng điện từ có trong tự nhiên. Hằng ngày con người thường phải tiếp xúc rất nhiều với ánh sáng xanh từ ánh sáng mặt trời, từ các thiết bị điện tử và đèn LED. Mặc dù vậy, nhưng nhiều người vẫn không biết ánh sáng xanh là gì và ánh sáng xanh có gây hại không. Bài viết dưới đây sẽ cho biết ảnh hưởng của ánh sáng xanh đối với sức khỏe con người.
Ánh sáng xanh là gì?
Mặt trời là một nguồn sáng tự nhiên, có thể bạn cho rằng ánh sáng mặt trời là không có màu sắc nhưng thực tế đây lại là sự kết hợp của nhiều ánh sáng có màu sắc khác nhau gồm: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm và tím. Mỗi ánh sáng màu này sẽ có bước sóng và năng lượng riêng
Bước sóng của ánh sáng xanh nằm trong khoảng từ 400nm đến 500nm. Ngoài ánh sáng mặt trời, bạn còn hay tiếp xúc với loại ánh sáng này từ những thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, máy tính, ipad, đèn LED.

Thế nào là ánh sáng xanh có hại?
Thực chất không phải là cứ ánh sáng xanh thì có hại. Tùy thuộc vào bước sóng ánh sáng, chúng ta sẽ thấy có cả ánh sáng xanh có lợi và ánh sáng xanh gây hại:
– Ánh sáng xanh có lợi bước sóng nằm trong khoảng (460-500)nm, có tác động làm ức chế melatonin, kích thích cơ thể con người tiết ra loại hormone cortisol tăng cường sự tỉnh táo và tập trung trong công việc. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc quá nhiều vào ban đêm sẽ dẫn đến hiện tượng khó ngủ, thậm chí là các bệnh như béo phì, tim mạch hoặc ung thư.
– Ánh sáng xanh có hại bước sóng nằm trong khoảng (400-460nm), trong đó có bước sóng 440nm là trùng với phổ nhạy cảm của tế bào nón loại S-cone. Nếu quá nhiều ánh sáng xanh loại này sẽ gây hại cho tế bào Scone, tổn thương võng mạc và làm nhức mỏi mắt.

Tác hại của ánh sáng xanh với cơ thể và mắt
Hội chứng thị giác màn hình
Đây là một căn bệnh phổ biến nhất liên quan đến nghề nghiệp và lối sống của con người trong xã hội hiện đại ngày nay, vì phải tiếp xúc với quá nhiều những thiết bị phát ra ánh sáng nguy hiểm. Hội chứng thị giác màn hình là do tác hại của ánh sáng xanh chứ không phải là một căn bệnh cụ thể. Bao gồm nhiều vấn đề gây khó chịu căng thẳng và mệt mỏi ở mắt.
Những triệu chứng thường gặp của hội chứng thị giác màn hình đó là: mắt nhìn xa bị mờ, nhức mắt, căng mắt, khô rát mắt, mắt kích thích, nhìn đôi, khó tập trung, đau đầu, đau cổ và mệt mỏi. Nghiên cứu được đăng tải trên trang thông tin sức khỏe của WebMD cho thấy từ 50% đến 90% những người làm việc nhiều với màn hình máy tính sẽ gặp phải một số hoặc là toàn bộ những triệu chứng ở trên.
Gây tổn thương cho võng mạc và giác mạc
Tế bào biểu mô sắc tố võng mạc (RPE) đây là lớp tế bào duy nhất có tiếp xúc với các tế bào thần kinh thị giác, đảm nhiệm nuôi dưỡng những tế bào thị giác, nhất là tại vùng hố trung tâm hoàng điểm (tức là điểm vàng).
Khi ánh sáng xanh đi qua thấu kính mắt đến võng mạc sẽ làm tổn thương quang hóa võng mạc, làm chết các tế bào võng mạc của mắt. Từ đó khiến cho tế bào thị giác không được cung cấp các chất dinh dưỡng, càng lâu dần sẽ làm thoái hóa võng mạc, thoái hóa hoàng điểm.

Gián đoạn nhịp sinh học và tăng nguy cơ mắc về các bệnh lý nguy hiểm
Ánh sáng nhân tạo là loại chất kích thích trong nhịp sinh học đối với cơ thể con người. Nếu tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng này vào ban đêm có thể sẽ làm giảm sản xuất hormone melatonin, hormone điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ của mỗi người.
Thông thường, cơ thể người sẽ sản xuất hormone melatonin với số lượng nhỏ vào ban ngày, vào ban đêm số lượng sẽ tăng lên vài giờ trước khi đi ngủ và đạt đến đỉnh điểm vào lúc nửa đêm. Nếu tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng nhân tạo vào ban đêm có thể sẽ khiến cho lịch trình giấc ngủ của một người bị trì hoãn, gây mất ngủ hoặc ngủ không yên giấc.
Đặc biệt, khi ta tiếp xúc với nguồn bức xạ của ánh sáng xanh gây hại sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, không những làm thoái hóa sớm đôi mắt, thay đổi nhịp sinh học trong cơ thể (chu kỳ giấc ngủ và thời gian thức giấc), mà còn là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, tiểu đường, béo phì, ung thư…
>>> Xem thêm: Ô Nhiễm Ánh Sáng là gì? Tác động của ô nhiễm ánh sáng ra sao?
Cách hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh
Thực hành chiến lược 20/20/20
Khi sử dụng bất kỳ thiết bị nào có phát ra ánh sáng xanh, hãy dừng nhìn lại sau mỗi 20 phút để lấy nét vào những vật thể khác cách xa khoảng 20 feet (0,6m) trong khoảng 20 giây, sau đó mới tiếp tục sử dụng thiết bị.
Giữ ẩm cho đôi mắt
Thuốc nhỏ mắt, chẳng hạn như là nước mắt nhân tạo, máy làm ẩm không khí đều là cách để giữ cho mắt không quá bị khô và kích ứng khi sử dụng những thiết bị có phát ra ánh sáng xanh.
Đeo kính theo chỉ định
Việc nheo mắt trước các loại màn hình trong thời gian dài không được khuyến cáo cho sức khỏe tổng thể của đôi mắt. Nếu bạn đeo kính điều chỉnh thị lực của mắt mình, hãy đảm bảo rằng bạn đang đeo kính mà khoảng cách giữa mắt và màn hình đạt lý tưởng nhất là cách một cánh tay. Hầu hết những loại kính đều được thiết kế cho khoảng cách xa hơn.

Điều chỉnh tia ánh sáng xanh trên màn hình
Để giảm thiểu nguy cơ gây mỏi mắt và rối loạn giấc ngủ, bạn có thể cài đặt màn hình ở chế độ “ban đêm” với màu ấm hơn. Và cũng có thể mua màn hình lọc đi ánh sáng xanh khi làm việc vào ban đêm. Bộ lọc này có thể làm giảm bớt độ chói trên màn hình máy tính. Theo nghiên cứu, thấy rằng màn hình lọc có thể ngăn chặn được 30 đến 60% ánh sáng xanh, mặc dù chưa có khẳng định liệu việc chặn ánh sáng xanh có thể giúp duy trì chu kỳ ngủ – thức cho nhiều người phải thường xuyên dùng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ hay không.
Kết bài
Ánh sáng xanh là một phần của quang phổ năng lượng điện từ có trong tự nhiên. Mỗi một màu trong quang phổ ánh sáng sẽ có một bước sóng và mức năng lượng khác nhau. Do vậy, vừa có công dụng và cũng gây hại cho sức khỏe con người. Vì vậy, việc tiếp xúc với ánh sáng xanh cần được cân nhắc kỹ với những yếu tố lợi ích và nguy cơ để đảm bảo sức khỏe tốt cho con người.